Từ M&A đến chiến lược phát triển du lịch xanh của Tập đoàn TTC
Từ tình yêu và khát vọng phát triển du lịch, Tập đoàn TTC đã từng bước kiến tạo hệ sinh thái lưu trú - vui chơi - ẩm thực - lữ hành tại 9 tỉnh, thành du lịch trọng điểm của cả nước, mang đến cảm hứng khám phá những vùng đất mới cho khách hàng, sự thịnh vượng cho cộng đồng và phát triển du lịch xanh, gắn với bảo tồn văn hóa bản địa.
M&A - chiến lược “đường tắt” mở rộng quy mô
Từ năm 2008 khi làn sóng M&A lĩnh vực khách sạn bắt đầu nổi lên, TTC đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội mở rộng quy mô thông qua việc sáp nhập các công ty và mua lại những cơ sở kinh doanh cùng lĩnh vực hoạt động.
TTC Hotel - Ngọc Lan trải mình trên ngọn đồi đường Nguyễn Chí Thanh giữa trung tâm thành phố Đà Lạt. Chỉ mất vài bước chân, du khách đã đến được khu chợ Đà Lạt sầm uất hay hồ Xuân Hương thơ mộng - trái tim của thành phố.
Cuối tháng 4/2014, TTC đã mua lại gần 50% cổ phần và trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty Cổ phần Du lịch Golf Việt Nam (sau được đổi tên thành Công ty Cổ phần Du lịch Thành Thành Công). Liên tục sau đó, hàng loạt động thái tái cơ cấu đã được TTC thực hiện thông qua hình thức M&A như mua lại 2 khách sạn ở thành phố Phan Thiết (hiện nay là TTC Hotel - Phan Thiết và TTC Palace - Bình Thuận); Mua lại và đổi tên thương hiệu của khu nghỉ dưỡng Bàu Trúc tại Ninh Thuận thành TTC Resort - Ninh Thuận; Đầu tư nâng cấp khu du lịch Dốc Lết (tỉnh Khánh Hòa), khách sạn tại Hội An (tỉnh Quảng Nam), v.v…
Phát huy lợi thế bên bờ biển Dốc Lết xinh đẹp, Tập đoàn TTC đã đầu tư rừng phượng rộng hơn 3,5 hecta, vườn thú tương tác Tiny Zoo cùng dịch vụ cắm trại. Dự kiến TTC sẽ tiếp tục xây dựng khu công viên nước tại đây để đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ.
TTC Imperial Hotel là khách sạn duy nhất tại Huế với phong cách kiến trúc cung đình.
Năm 2023, Tập đoàn TTC đã M&A thành công khách sạn Imperial Hotel Huế - một trong những khách sạn 5 sao đầu tiên tại thành phố Huế và nhanh chóng đưa khách sạn này vào hoạt động dưới tên gọi TTC Imperial Hotel.
Tính đến năm 2024, ngành Du lịch TTC sở hữu 12 khách sạn và khu nghỉ dưỡng, 4 khu vui chơi, 3 trung tâm hội nghị, nhà hàng và 1 công ty hoạt động về du lịch lữ hành trải dài từ Huế trở vào đến Cần Thơ theo chiều dài đất nước. Chiến lược M&A không chỉ hỗ trợ TTC mở rộng quy mô nhanh chóng mà còn giúp tận dụng được tiềm năng du lịch của từng địa phương, từ đó đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu của du khách, góp phần phát triển quy mô và danh mục theo hướng bền vững, phù hợp với với xu hướng chung toàn cầu.
Văn hóa bản địa - yếu tố cốt lõi trong phát triển du lịch bền vững
Một trong những yếu tố khiến TTC trở nên khác biệt trong chiến lược phát triển du lịch chính là việc tận dụng và phát triển văn hóa bản địa từng vùng miền. Với TTC, mỗi điểm đến không chỉ là nơi nghỉ dưỡng hay giải trí, mà còn là cơ hội để du khách khám phá và trải nghiệm nét văn hóa độc đáo địa phương.
Ngay từ sảnh chờ của TTC Imperial Hotel, du khách có thể cảm nhận được không khí “hoàng gia” qua từng vật dụng bài trí cũng như những bức phù điêu hay những hoa văn chạm trổ…
Tọa lạc ngay trung tâm vùng đất di sản - cố đô Huế, TTC Imperial Hotel trở nên đặc biệt khi sở hữu kiến trúc hoàng cung độc đáo. Khách sạn 5 sao này vẫn giữ được hồn thiêng của vùng đất Thần Kinh - “kinh đô thần bí” qua từng nét chạm trổ hình rồng, những bức phù điêu cùng các góc bày trí rất “hoàng gia”. Đặc biệt, khách sạn luôn nỗ lực giữ gìn văn hóa cố đô qua bữa tiệc ngự thiện đưa vào phục vụ du khách kèm với biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế - một trong những di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.
Du khách mặc trang phục hoàng gia thưởng thức “cơm vua” tại TTC Imperial Hotel.
Không chỉ dành tâm huyết cho “đứa con” M&A mới nhất, Tập đoàn TTC cũng chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị tinh hoa của Chăm Pa tại TTC Resort - Ninh Thuận. Với kiến trúc độc đáo hòa quyện với văn hóa Chăm qua từng chiếc bình gốm, viên gạch đất nung hay những bộ đồng phục thổ cẩm, TTC Resort - Ninh Thuận đã tái hiện một cách sống động, đưa du khách vào hành trình khám phá một phần văn hóa lâu đời và độc đáo của người Chăm.
Nhà Chăm tại TTC Resort - Ninh Thuận được thiết kế theo phong cách kiến trúc Chăm, là nơi tổ chức những chương trình hội nghị, gala của khu nghỉ dưỡng.
Những căn biệt thự bên bãi biển Ninh Chử - nơi có đường bờ biển uốn cong theo hình trăng khuyết, được TTC lấy cảm hứng thiết kế từ ngôi tháp Chăm nổi tiếng tại Ninh Thuận với tường gạch, mái nhà mang màu đất nung đặc trưng.
Đà Lạt - một trong những địa phương được Tập đoàn TTC chú trọng đầu tư, xuất phát từ tâm huyết và khát vọng phát triển du lịch xứ sở sương mù. Năm 2019, sau khi sáp nhập Thung lũng Tình yêu và Đồi Mộng Mơ, nâng tổng diện tích khu du lịch lên đến 140 hecta, TTC đã xây dựng hàng loạt hạng mục cảnh quan mới, mở rộng khu vực vườn hoa, bổ sung dịch vụ nhà hàng ẩm thực cũng như nhiều trò chơi hấp dẫn. Sau thời gian ngắn, Thung lũng Tình yêu trở thành một “Đà Lạt thu nhỏ” và là một trong những điểm tham quan “không thể bỏ lỡ” của hầu hết các tour du lịch Đà Lạt từ các công ty lữ hành.
Đoàn du khách 42.000 người của công ty tại Đồng Nai đã lên kế hoạch du lịch Đà Lạt và chọn Thung lũng Tình yêu là một trong những điểm tham quan.
Cầu kính Ngàn Thông khai trương vào tháng 8/2023, được TTC kỳ vọng góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch địa phương, mang lại giá trị bền vững cho thành phố Đà Lạt.
Trong năm 2023, khu du lịch của TTC chính thức khai trương cầu kính Ngàn Thông, nối Đồi Mộng Mơ và Thung lũng Tình yêu. Đây là cầu kính đầu tiên tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Đặc biệt, xuyên suốt trong hoạt động của Thung lũng Tình yêu không thể thiếu chương trình biểu diễn “Hồn Chiêng” từ những nghệ sĩ đồng bào K’Ho. Sân khấu Cồng Chiêng sáng đèn mỗi đêm, mang đến lời ca tiếng hát, những câu chuyện kể và hương vị ẩm thực miền cao. Nét đặc sắc này đã cùng khu du lịch làm sống động không gian văn hóa cồng chiêng và góp phần giữ nét “hồn chiêng” nơi đây.
Sân khấu Cồng Chiêng tại Thung lũng Tình yêu sẽ đưa du khách về với đại ngàn qua những nghi thức thần linh, nghi lễ cưới hỏi người đồng bào K’Ho, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, thưởng thức rượu cần, đắm chìm trong không gian âm nhạc trữ tình và hùng tráng…
Bên cạnh đó, để giúp khách du lịch có thêm trải nghiệm về đêm hoàn toàn mới lạ và độc đáo, TTC đã ra mắt công trình Vườn Ánh Sáng vào cuối năm 2023 tại Thung lũng Tình yêu. Đến đây, du khách như bước vào một thế giới ánh sáng đầy màu sắc và phép thuật với những trải nghiệm thị giác tuyệt vời. Công trình Vườn Ánh Sáng không chỉ dừng lại ở việc tăng cơ hội kinh doanh cho khu du lịch mà TTC còn đặt kỳ vọng sẽ trở thành một điểm đến độc đáo, có thể tạo ra sự thay đổi tích cực cho kinh tế đêm của thành phố mộng mơ.
Sự tỉ mỉ trong việc xây dựng các câu chuyện văn hóa và kết nối với du khách thông qua các sản phẩm dịch vụ đặc trưng giúp TTC không chỉ thu hút khách hàng mà còn góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa bản địa. “Trong thời gian qua, ngành Du lịch TTC đã nâng cấp cơ sở vật chất cũng như đầu tư nhiều hạng mục tiện ích mới tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng hiện hữu để dần hiện thực hóa mục tiêu chuyển dần sang phân khúc 4 - 5 sao theo tiêu chuẩn quốc gia”. Theo ông Đặng Huỳnh Anh Tuấn - Thành viên Hội đồng Quản trị Tập đoàn TTC. |
Phát triển xanh - cam kết lâu dài của ngành Du lịch TTC
Du lịch đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam nhờ vào việc sở hữu những vẻ đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa đa dạng, giàu bản sắc. Việc chuyển đổi xanh trong du lịch không chỉ góp phần bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế. Chính vì vậy, hướng đến mục tiêu trở thành thương hiệu du lịch xanh, “ngành công nghiệp không khói” của TTC đã xây dựng chiến lược dài hạn và một trong những trọng tâm là phát triển không gian xanh và tòa nhà xanh.
Năm 2024, ngành Du lịch TTC chính thức hệ thống hóa các hoạt động bảo vệ môi trường, tạo ra phong trào Green Day với hàng loạt chương trình như trồng cây, dọn vệ sinh bờ biển, bờ sông và không gian làm việc.
Riêng tại Thung lũng Tình yêu, khu du lịch đã trồng thêm 2.000 cây mai anh đào và 2.000 cây thông ba lá, nâng tổng số cây xanh trong khu vực này lên hơn 300.000 cây, với hơn 200 loài cây khác nhau. Những hoạt động này không chỉ giúp giữ vững cảnh quan tự nhiên vốn có của địa phương mà còn góp phần vào mục tiêu trồng 3,8 triệu cây xanh trên toàn thành phố Đà Lạt trong giai đoạn 2021 - 2025.
Từ năm 2023, ngành Du lịch TTC đã quyết liệt trong cam kết xây dựng và hoàn thiện bộ khung chiến lược vận hành theo mô hình ESG, trong đó bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là một trong những mục tiêu được đặt lên hàng đầu.
Các khu du lịch khác của TTC cũng tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Tại TTC World - Tà Cú (tỉnh Bình Thuận), trong năm 2024, đã có thêm 60.000 cây hoa kiểng và cây ăn trái được trồng để tăng cường diện tích mảng xanh. TTC Mekong Aqua Park (tỉnh Bến Tre) cũng đã phủ xanh gần như toàn bộ khuôn viên bằng cỏ kiểng, vườn hoa màu sau một năm hoạt động, không chỉ tạo nên không gian xanh mát mà còn cung cấp không khí trong lành cho khách du lịch.
Thực vật tại núi Tà Cú đa dạng hệ sinh thái, loài, nguồn gen với khoảng 1.200 loài thực vật bậc cao, hơn 300 loài cây làm dược liệu…
Theo thống kê đến năm 2022, tổng diện tích không gian xanh của các đơn vị kinh doanh thuộc ngành Du lịch TTC đã đạt 280,5 ngàn m2, diện tích rừng lên đến hơn 2 triệu m2. Mục tiêu đến năm 2025, ngành Du lịch TTC sẽ trồng thêm 120.000 cây xanh, củng cố sự hiện diện mạnh mẽ mảng xanh trong hệ sinh thái du lịch TTC.
Bên cạnh đó, ngành Du lịch TTC cũng đang phát triển các tiêu chuẩn tòa nhà xanh cho các cơ sở kinh doanh, bao gồm việc giảm tiêu thụ năng lượng, tiết kiệm nước, hạn chế rác thải... Dự kiến 70% các đơn vị kinh doanh thuộc ngành Du lịch TTC sẽ được lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, một phần trong cam kết dài hạn của TTC trong việc sử dụng năng lượng tái tạo và giảm thiểu khí thải carbon.
TTC Van Phong Bay Resort thiết kế theo mô hình tòa nhà xanh, đồng thời cảnh quan cũng được phủ xanh toàn diện. Tháng 7/2024, khu nghỉ dưỡng tổ chức lễ công nhận đạt chuẩn 5 sao.
TTC Van Phong Bay Resort, với mục tiêu tiên phong trong mô hình tòa nhà xanh, đã áp dụng những giải pháp sáng tạo như việc thiết kế kính lùi vào bên trong để giảm bức xạ nhiệt, hệ thống nước có áp suất vừa đủ để tiết kiệm và tái sử dụng nước sau xử lý. Theo kế hoạch, TTC Van Phong Bay Resort sẽ là đơn vị đầu tiên của ngành Du lịch đạt chứng chỉ EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) - hệ thống chứng nhận công trình xanh được phát triển và quản lý bởi Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).
Vừa tọa lạc bên biển Dốc Lết xinh đẹp, vừa sở hữu cảnh quan xanh mát, TTC Van Phong Bay Resort mang đến những trải nghiệm nghỉ dưỡng tuyệt vời.
Gần 20 năm phát triển, ngành Du lịch TTC không chỉ mở rộng hệ sinh thái du lịch thông qua chiến lược M&A mà còn ghi dấu ấn mạnh mẽ trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa bản địa, đồng thời cam kết phát triển du lịch bền vững. Với bước đi táo bạo trong M&A và tầm nhìn xây dựng hệ sinh thái du lịch thân thiện với môi trường, ngành Du lịch TTC đang từng bước hiện thực hóa chiến lược trở thành thương hiệu du lịch xanh tại Việt Nam, biến mỗi điểm đến trở thành nơi kết nối văn hóa và mang đến những trải nghiệm ý nghĩa, góp phần phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương.
Bạn cũng có thể thích
TTC Hospitality và Tổng công ty Gas Petrolimex ký kết hợp tác
Công ty Cổ phần Du lịch Thành Thành Công (TTC Hospitality) – thành viên Tập đoàn TTC và Tổng Công ty Gas Petrolimex đã chính thức ký kết hợp tác vào ngày 06/11/2024.
TTC Imperial Hotel được vinh danh “Premium Hotel”
TTC Imperial Hotel vừa được vinh danh tại giải thưởng Trip.Best 2024, hạng mục “Premium Hotel” từ Trip.com - nhà cung cấp dịch vụ du lịch quốc tế toàn diện.
TTC Hospitality công bố Ban Tổng Giám đốc
TTC Hospitality vừa tổ chức Lễ công bố Ban Tổng Giám đốc vào ngày 10/10/2024. Theo đó, ông Nguyễn Quốc Việt sẽ đảm nhiệm cương vị Tổng Giám đốc và ông Lê Đức Trí với vị trí Phó Tổng Giám đốc.