Huyền thoại khai sinh chùa núi Tà Cú – ngôi chùa thiêng trên đỉnh núi thiêng
Núi Tà Cú được nhiều du khách biết đến là nơi có tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn dài đến 49m nằm trên đỉnh núi. Đồng thời, nơi đây cũng chứa đựng những huyền thoại về ngôi chùa thiêng được đông đảo khách thập phương đến viếng…
Vào cuối thế kỷ 19, có một vị Đại sĩ ẩn mình tu tịnh tại núi Tà Cú. Vì lòng từ bi cứu thế độ đời mà uy danh của người vang đến tận Kinh đô Huế. Vị đó chính là Tổ sư họ Trần, Pháp danh Thông Ân, Pháp hiệu Hữu Đức.
Nguyên quán Tổ sư Trần Hữu Đức ở làng Bạc Má, Đồng Xuân, Phú Yên (nay là huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Tổ sư sinh ra trong một gia đình quý tộc, thân phụ Trần Thái Công và thân mẫu Nguyễn Thị Từ đều là những bậc hiền đức từ tâm. Tổ với tục danh Trần Hữu Đức sinh vào giờ Tý, ngày mùng 8 tháng 2 năm Nhâm Thân thời Gia Long thứ 11 (1812).
Tượng Tổ sư Trần Hữu Đức tại núi Tà Cú.
Thời thơ ấu, ngài đã phát lộ tư chất thông minh lạ thường, những suy nghĩ đầy trí tuệ, nhân hậu, đến người lớn tuổi cũng phải trầm trồ thán phục. Trong các bữa cơm chỉ một ít có mùi cá thịt là ngài không bao giờ đụng đến. Năm lên 10 tuổi, ngài được song thân cho theo học Nho giáo, sớm am tường thi lễ.
Năm 17 tuổi, nhận ra nỗi trầm luân, cảnh bi thương sinh ly tử biệt của kiếp người, đồng thời chứng kiến xã hội đương thời bao chuyện nhiễu nhương, ngài thực hiện ý nguyện thoát tục. Sau khi lo việc cư tang báo hiếu tròn lễ cho phụ mẫu, ngài quyết chí rời mái ấm, từ bỏ sản nghiệp của gia đình xuôi vào Nam tìm đường tu tập, bắt đầu hành trình đạo pháp từ đó.
Khoảng năm 1847, nhà sư Thông Ân được Thiền sư Bảo Tạng, pháp danh Hải Bình truyền Cụ túc Tỳ khưu và Bồ tát giới cho Ngài và được truyền đại giới (250 giới), được ban Pháp hiệu là Hữu Đức.
Năm đáo tuế 61 tuổi (1872), ngài lặng lẽ băng ngàn lên núi Tà Cú - lúc bấy giờ còn là rừng thiêng nước độc đầy thú dữ không dấu chân người. Tổ sư Hữu Đức lên núi đỉnh cao hơn 400 mét, nơi mặt núi hướng ra biển cả, có nhiều tảng đá to chồng chất lên nhau, dưới những lớp mây trắng phủ sương mờ, bốn bề chim kêu vượn hú.
Những bậc thang nhuốm màu thời gian tại Linh Sơn Long Đoàn.
Cuối cùng, ngài chọn được một cái hang nhỏ hẹp vừa một người chui lọt. Bước xuống hơn ba mét, có một khoảng trống bằng phẳng là thạch bàn khá rộng và kín đáo, làm chỗ cho ngài che mưa đụt nắng.
Bên dưới hang có mạch nước ngầm chảy quanh năm trong vắt và nhiều ngách rẽ sâu hun hút. Trên miệng hang là những gốc cây to xanh mát, vừa tĩnh lặng, vừa u huyền, đúng là chốn am mây thánh cảnh cho ngài chuyên sâu thiền định.
Tại đây, ngài trải qua bao năm tháng hạ thủ công phu, nóng lạnh dãi dầu, nắng mưa chẳng quản, mặc cho muỗi mòng cắn đốt, quần áo cũ rách, thiếu thốn phương tiện, râu tóc để dài, quên cả thời gian. Ngài phát nguyện sống đời ẩn dật, không bao giờ xuống núi. Chính nơi này ngài đã ngộ đạo, về sau gọi là hang Tổ.
Tại thạch thất, Ngài uống nước suối, hái rau rừng, lượm những trái cây ăn được và làm bạn với cỏ cây, chim muông, cầm thú. Kết nghĩa với gió mát trăng thanh, lòng chẳng nhiễm thế duyên trần tục. Đức Từ bi của Ngài đã cảm hóa khắp muôn loài, biết bao huyền thoại về tổ Hữu Đức suốt 16 năm khai sơn với sự nhiệm màu của trí tuệ, đại hùng.
Theo nhiều người truyền tụng, thuở ấy có một bạch hổ luôn phủ phục bên hang Tổ, quấn quýt theo chân Tổ bất cứ đâu. Trên cánh rừng chùa Núi có cặp chim Hồng hoàng cao cát với bộ lông rất đẹp, xuất hiện từ khi có Tổ. Tiếng chim hót lên cũng là báo hiệu có khách thập phương dưới núi sắp lên rồi bay lượn dẫn đường không sai một bước. Loài chim ấy ngày nay thỉnh thoảng vẫn còn bắt gặp bay trên núi Tà Cú.
Tượng bạch hổ phủ bên cạnh Tổ sư Trần Hữu Đức.
Vào năm Tự Đức thứ 33 (1880), Hoàng Thái Hậu là bà Từ Dụ lâm trọng bệnh, hai mắt mù lòa, các ngự y tài giỏi danh tiếng trong triều đều bất lực. Nhà vua kêu gọi thần dân khắp cả nước ai cứu được mẫu hậu sẽ trọng thưởng.
Được biết về danh đức, pháp thuật của Tổ từ lâu, quan thủ hiến đầu tỉnh Bình Thuận lập tức viết biểu tâu lên vua. Vua Tự Đức hạ chiếu sai sứ mang dâng, xin rước Tổ về triều chữa bệnh cho Hoàng Thái Hậu. Vì đã nguyện không bao giờ xuống núi nữa, không thể về triều theo chiếu chỉ của vua, Ngài viết câu Linh chú Phật Mẫu Chuẩn Đề trên chín tờ giấy bản khổ nhỏ, rồi dùng gia trì lực, cùng vài vị thuốc núi, chỉ cách sử dụng rồi cho sứ thần mang về dâng lên vua.
Quả là linh nghiệm, sau khi uống hết các chú chuẩn đề và thuốc, Hoàng Thái Hậu vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, nhanh chóng bình phục. Vua Tự Đức cảm niệm công đức tu hành của Ngài, mới ban tặng sắc chỉ bốn chữ Nho viết lớn: Linh Sơn Trường Thọ, phía dưới đề Pháp húy của Ngài là Thông Ân Đại Hòa Thượng và dâng cúng một ít tịnh tài để xây thành ngôi chùa nhỏ bằng gạch ngói trát vôi cho bá tánh nương về tu học. Từ đó, Ngài thu nhận đệ tử xuất gia, có tôn hiệu là Tổ sư khai sơn "Sắc Tứ Linh Sơn Trường Thọ Tự".
Linh Sơn Trường Thọ gần đây được tôn tạo và được đông đảo khách thập phương đến viếng.
Về sau, có mẹ vợ của công sứ Bình Thuận tên Garne đi chùa lễ Phật và có xin một bài chú Chuẩn Đề và một số thang thuốc do sư Hữu Đức bốc để hộ thân. Gặp lúc con gái bà là vợ công sứ lâm bệnh nặng, bà đem thần chú ra trì tụng và sắc thuốc cho uống thì con bà bỗng được bình phục. Viên Công sứ thấy vậy liền lên chùa tạ ơn và xin họa chân dung của sư Hữu Đức để làm kỷ niệm. Ngày nay bức chân dung ấy vẫn còn.
Thế rồi, Hồng trần cõi tạm duyên trần mãn, Tịnh độ nguồn chơn Phật độ về. Vào buổi sáng ngày mùng 5 tháng 10 năm Đinh Hợi (1887), Ngài có chút bệnh, sau khi dặn dò các đệ tử, Ngài cho họp đồ chúng chỉ dạy một vài điều cần thiết, rồi sau đó thu thần ngồi kiết già an nhiên thị tịch. Trụ thế 76 tuổi, xuất gia 59 năm.
Chùa Linh Sơn Long Đoàn (chùa Dưới) cùng với Linh Sơn Trường Thọ (chùa Trên) là hai ngôi chùa thiêng tại Tà Cú.
Tương truyền rằng, trước khi Tổ Hữu Đức sắp viên tịch có một đệ tử là sư cô Thái Thị Tràng nhờ chuyên tâm tu niệm, khắc kỹ tu thân đã tiên tri được nên chất củi thiêu mình thoát hóa trước Tổ.
Lại có chuyện, sau khi Tổ viên tịch, bạch hổ lâu năm theo hầu cũng về phủ phục bên mộ Tổ buồn rầu chẳng hề ăn uống và mấy hôm sau chết bên tháp. Do vậy mà bên cạnh tháp có một nắm mộ bạch hổ do nhà chùa mai táng.
TTC World – Tà Cú
Số 18 Nguyễn Văn Linh, khu phố Nam Thành, Thị trấn Thuận Nam, Huyện Hàm Thuận Nam, Tỉnh Bình Thuận.
0252 3867 484 | contacts@tacutourist.com
Lên kế hoạch cho chuyến đi và khám phá
Lên kế hoạchBạn cũng có thể thích
Gỏi bắp bò bông bần món ăn gây thương nhớ
Từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch, cây bần đã bắt đầu “gây thương nhớ” khi bần trổ bông trắng ngần, người dân đi… hái về làm món gỏi bông bần hấp dẫn.
Đến Ninh Thuận khám phá văn hóa Chăm
Đến Ninh Thuận, du khách có cơ hội khám phá những nét văn hóa Chăm độc đáo qua tham quan các công trình kiến trúc và những làng nghề truyền thống.
Những ốc đảo yên bình tại Ninh Hòa, Khánh Hòa
Thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa không chỉ nổi tiếng với những bãi biển tuyệt đẹp mà còn gây ấn tượng với du khách bởi những ngôi làng chài bình dị...