TTC HOSPITALITY

Rằm tháng Bảy tìm về ngôi chùa thiêng trên đỉnh núi thiêng tại Bình Thuận

Du lịch tâm linh - sinh thái là một trong những điểm mạnh của Bình Thuận bên cạnh du lịch biển. Đặc biệt vào dịp mùng Một hoặc ngày Rằm, những điểm đến tâm linh – sinh thái tại Bình Thuận thu hút khá nhiều khách thập phương. 

Huyền tích người khai sơn ngọn núi thiêng

Núi Tà Cú được nhiều du khách biết đến là danh thắng quốc gia tỉnh Bình Thuận và là nơi có tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn dài đến 49m nằm trên đỉnh núi. Đồng thời, nơi đây cũng chứa đựng những huyền thoại về người khai sinh ngôi chùa thiêng được đông đảo khách thập phương đến viếng…
 
Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn an nhiên, tự tại trên đỉnh núi Tà Cú.

Vào cuối thế kỷ 19, có một vị đại sĩ ẩn mình tu tịnh tại núi Tà Cú. Vị đó chính là Tổ sư họ Trần, Pháp danh Thông Ân, Pháp hiệu Hữu Đức. 

Tổ sư Trần Hữu Đức (1812 - 1887) sinh ra trong một gia đình quý tộc tại làng Bạc Má, Đồng Xuân, Phú Yên (nay là huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Thân phụ và thân mẫu đều là những bậc hiền đức từ tâm. 

Thời thơ ấu, ngài đã phát lộ tư chất thông minh lạ thường, những suy nghĩ đầy trí tuệ, nhân hậu. Năm lên 10 tuổi, ngài được song thân cho theo học Nho giáo, sớm am tường thi lễ. Năm 17 tuổi, sau khi lo việc tang sự báo hiếu tròn lễ cho phụ mẫu, ngài quyết chí rời mái ấm, thực hiện ý nguyện thoát tục.
 
Tượng Tổ sư Trần Hữu Đức tại Linh Sơn Long Đoàn trên núi Tà Cú.

Đến năm 1872, ngài lặng lẽ băng ngàn lên núi Tà Cú - lúc bấy giờ còn là rừng thiêng nước độc đầy thú dữ, không dấu chân người. Tổ sư Hữu Đức lên núi đỉnh cao hơn 400m, nơi mặt núi hướng ra biển cả, có nhiều tảng đá to chồng chất lên nhau, dưới những lớp mây trắng phủ sương mờ, bốn bề chim kêu vượn hú, chọn được một hang nhỏ hẹp vừa một người chui lọt, bước xuống hơn ba mét, có một khoảng trống bằng phẳng là thạch bàn khá rộng và kín đáo, làm chỗ cho ngài che mưa đụt nắng.

Bên dưới hang có mạch nước ngầm chảy quanh năm trong vắt và nhiều ngách rẽ sâu hun hút. Trên miệng hang là những gốc cây to xanh mát, vừa tĩnh lặng, vừa u huyền, thích hợp để chuyên sâu thiền định. Ngài phát nguyện sống đời ẩn dật, không bao giờ xuống núi. Nơi đây về sau gọi là hang Tổ. 
 
Từ trên cáp treo lên núi Tà Cú, du khách có thể ngắm cánh rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú.

Tại thạch thất, Ngài uống nước suối, hái rau rừng, lượm những trái cây ăn được và làm bạn với cỏ cây, chim muông, cầm thú. Cũng từ đó, biết bao huyền thoại về tổ Hữu Đức suốt 16 năm khai sơn đã khiến núi Tà Cú càng trở nên linh thiêng và huyền bí.

Hai ngôi chùa thiêng trên đỉnh núi thiêng

Hai ngôi chùa trên núi Tà Cú là Linh Sơn Trường Thọ (chùa trên) và Linh Sơn Long Đoàn (chùa dưới). Vào dịp lễ Vu Lan hàng năm, nơi đây đón hàng ngàn lượt khách hành hương đến viếng chùa, lễ Phật. 
 
Bộ tượng Tam Thế Phật trên núi Tà Cú.

Linh Sơn Trường Thọ là ngôi chùa được vua Tự Đức đời thứ 13 sắc phong sau khi tổ sư Trần Hữu Đức đã kê thuốc chữa khỏi bệnh cho Hoàng Thái Hậu Từ Dụ. Vì vậy, ngôi chùa này cũng thường gắn liền với huyền tích chữa bệnh vẫn được người dân truyền tụng đến bây giờ.
 
Chùa Linh Sơn Trường Thọ gắn với huyền tích chữa bệnh cho Hoàng Thái Hậu Từ Dụ.

Qua thời gian trùng tu, ngôi chùa Linh Sơn Trường Thọ gần như thay áo mới. Tuy nhiên, mái chùa nhìn từ trên đỉnh núi vẫn giữ vẹn hình dáng như ban đầu với mái ngói đỏ nhấp nhô nổi bật giữa rừng núi, làm hoàn thiện thêm bức tranh thiên nhiên tươi đẹp Tà Cú nhìn từ trên cao.
 
Không gian chùa Linh Sơn Trường Thọ huyền hoặc hơn vào những ngày mưa.

Linh Sơn Long Đoàn tọa lạc ở triền núi phía đông Linh Sơn Trường Thọ, được Hòa thượng Tâm Hiền - một trong các đệ tử kế thừa của Tổ sư Hữu Đức xây dựng nên từ một thảo am. Bên trong khuôn viên chùa có các công trình nổi bật như tháp Tổ và chư hầu Tổ, điện thờ Phật…
 
Chùa Linh Sơn Long Đoàn cổ kính giữa không gian xanh trên núi Tà Cú.
 
Những bậc thang nhuốm màu thời gian tại Linh Sơn Long Đoàn.

Vào dịp mùng Một và ngày Rằm hàng năm, đông đảo khách thập phương cũng đến TTC World – Tà Cú chiêm bái tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn – tượng Phật dài 49m lập kỷ lục châu Á là tượng Phật nằm dài nhất trên đỉnh núi. Ngoài ra, tháp chuông gió khổng lồ tại TTC World – Tà Cú vừa hoàn thành cuối năm 2023 cũng là điểm thích hợp cho khách thập phương đến tham quan, tịnh tâm cầu bình an với âm thanh “chữa lành” hiếm có.
 
Chuông gió khổng lồ tại TTC World – Tà Cú phát ra những âm thanh “chữa lành”.

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận, trong 6 tháng đầu năm 2024, khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Bình Thuận ước đạt 4,58 triệu lượt (tăng 5,01% so với cùng kỳ 2023). Đặc biệt, hệ thống các điểm di tích đình, đền, chùa thường xuyên được bảo tồn, tôn tạo và đưa vào danh sách điểm đến du lịch cũng góp phần mang du lịch tâm linh – sinh thái sinh thái tỉnh Bình Thuận đến gần hơn với du khách.

Lên kế hoạch cho chuyến đi và khám phá

Lên kế hoạch
Bạn cũng có thể thích

Đến TTC Hotel – Cần Thơ: nghĩ khác về nghỉ dưỡng

08/11/2024

TTC Hotel – Cần Thơ không chỉ là một nơi chốn để nghỉ dưỡng mà còn là điểm đến khám phá văn hóa, ẩm thực và nét đôn hậu của con người Tây Đô.

TTC Van Phong Bay Resort: Điểm đến thiên nhiên và chữa lành

05/11/2024

TTC Van Phong Bay Resort là câu trả lời tuyệt vời cho bất cứ ai đang tìm kiếm một không gian riêng tư, yên tĩnh, giúp phục hồi từ thể chất đến tâm trí. 

Linh thiêng 4 ngôi chùa mang tên Linh Sơn tại Bình Thuận

23/10/2024

4 ngôi chùa trên đỉnh núi tại tỉnh Bình Thuận đều có tên là Linh Sơn, mang hàm ý về ngôi chùa linh thiêng ngự trên núi.

Bài viết phổ biến