TTC HOSPITALITY

Việt Nam - Điểm đến an toàn

Những thành tựu trong công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam sẽ là “vũ khí” để ngành du lịch mở rộng thị trường khách, hướng tới sản phẩm du lịch y tế đầy tiềm năng nhưng chưa khai thác hết.

Du khách quốc tế tham quan Hội An sáng 22.2
Ảnh: Hữu Trà

Ở Việt Nam để “trốn” dịch

Những ngày đầu tháng 2, khi dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, hầu hết người dân Việt Nam hoang mang không dám ra ngoài vì sợ lây lan thì tại các bãi biển, du khách nước ngoài vẫn thoải mái vui chơi, nghỉ dưỡng. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, dù không còn khách Trung Quốc nhưng nhiều resort, cơ sở lưu trú tại phố tây Hàm Tiến, Mũi Né (Phan Thiết, Bình Thuận) vẫn được lấp đầy bởi hàng ngàn khách Tây.

Mới đây, trong 2 ngày 18 và 19.2, 2 du thuyền cỡ nhỏ Crystal Symphony và Silver Spirit cùng quốc tịch Bahamas đã cập cảng Tiên Sa, TP.Đà Nẵng và cảng Chân Mây, Thừa Thiên-Huế, đưa hơn 1.200 hành khách đến từ Bắc Âu, Bắc Mỹ, Úc và thủy thủ đoàn tham quan 2 TP du lịch này.

Ngồi xây lâu đài cát cùng cô con gái nhỏ 4 tuổi trên bãi biển, Damian (đến từ Ba Lan) cho biết đây là lần đầu tiên gia đình anh tới Việt Nam. Thông qua một công ty du lịch, anh đặt tour Đà Nẵng - Hội An - Huế từ cuối tháng 11.2019. Khi những thông tin về dịch Covid-19 xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, gia đình anh đã tính đến chuyện hủy tour và trao đổi thông tin liên tục với công ty du lịch tại Việt Nam. “Họ cập nhật thông tin cho chúng tôi rất thường xuyên và nhanh chóng. Tôi thấy thời tiết Đà Nẵng nắng đẹp, công tác phòng chống dịch bệnh của các bạn cũng rất tốt, không có thông tin về người nhiễm bệnh ở đây nên không quá lo lắng và quyết định vẫn tới Việt Nam theo đúng kế hoạch. Rõ ràng mọi thứ rất tuyệt vời. Nắng đẹp thế này vi rút làm sao sống nổi mà sợ...”, Damian hài hước và cười sảng khoái.

Du khách nước ngoài tham quan mua sắm ở chợ Bến Thành chiều 22.2
Ảnh: Ngọc Dương

Trong khi đó, dù được nghỉ gần 1 tháng nhưng Danny (Việt kiều Mỹ, đang làm giáo viên dạy tiếng Anh tại Việt Nam) vẫn chọn phương án ở lại TP.HCM thay vì về thăm nhà. Hỏi sao không về Mỹ “trốn” dịch, Danny nhún vai: “Tôi đang ở Việt Nam để “trốn” dịch mà. Đi lại mùa dịch, quá cảnh tại nhiều sân bay có khi còn nguy hiểm hơn. Hơn nữa tại TP.HCM mọi thứ rất tốt, trời nắng, quá thuận lợi, tất cả mọi người đều chủ động phòng dịch nên ra đường cảm thấy khá yên tâm”.

Khảo sát tại một số DN du lịch cho thấy khác với khách châu Á, du khách các nước châu Âu, châu Mỹ khá bình tĩnh trước dịch bệnh. Các tour đến Việt Nam đặt từ năm ngoái không bị hủy. Tại các điểm đến, họ thoải mái tận hưởng kỳ nghỉ, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe.

Điểm sáng y tế được thế giới công nhận

Có thể thấy, việc du khách tin tưởng ở lại hoặc tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến chính từ sự công nhận của các tổ chức thế giới về thành tựu phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam. Sau khi Tổ chức Y tế thế giới đánh giá rất cao việc khống chế dịch, Việt Nam tiếp tục nhận được bình luận tích cực từ Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ. Theo đó, trong cuộc trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ về tình hình dịch Covid-19, bà Erika Elvander, Giám đốc Văn phòng Châu Á - Thái Bình dương, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ, đánh giá cao năng lực y tế của Việt Nam nói chung, đặc biệt trong công tác kiểm soát dịch Covid-19 nói riêng vì những ngày qua, trong khi tại Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới dịch bệnh diễn biến hết sức khó lường, số ca nhiễm và tử vong không ngừng tăng, thì tại Việt Nam, dịch Covid-19 được kiểm soát rất tốt. Hiện tại, đã có 15/16 bệnh nhân khỏi bệnh. Đây là thành tựu đáng ghi nhận của nền y tế Việt Nam.

Thực tế, không phải chỉ đến khi dịch bệnh bùng phát, những thành tựu về y tế của Việt Nam mới được biết đến. Trong vài năm qua, những điểm sáng trong các lĩnh vực y tế như nha khoa, khám tổng quát tầm soát bệnh, điều trị hiếm muộn đã được TP.HCM tận dụng rất tốt để triển khai sản phẩm du lịch y tế. Đặc biệt trong lĩnh vực du lịch nha khoa.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết sau một thời gian phối hợp, những sản phẩm du lịch nha khoa kết hợp giữa 2 ngành du lịch và y tế tại TP.HCM bước đầu đã có nhiều thành tựu. Ước tính trung bình mỗi năm, TP.HCM có khoảng gần 100.000 bệnh nhân nước ngoài tới để chữa răng và tổng doanh thu đạt khoảng

150 triệu USD. Du khách đến từ Úc, Mỹ, New Zealand nằm trong tốp 3 khách quốc tế đến Việt Nam thường xuyên thực hiện dịch vụ khám, chữa răng, kết hợp du lịch, trải nghiệm. Ngoài chi phí rẻ, chất lượng tay nghề bác sĩ không thua kém gì các nước trong khu vực đang có thế mạnh về du lịch y tế như Singapore, Thái Lan, Malaysia... sự kiện các bác sĩ tại TP.HCM trực tiếp điều trị thành công các ca nhiễm vừa qua đã một lần nữa khẳng định tay nghề y bác sĩ và chất lượng các cơ sở khám chữa bệnh tại TP.HCM nói riêng cũng như tại Việt Nam nói chung.

Mở visa để rộng cửa đón khách

Trong chiến lược quảng bá du lịch sau tết của hầu hết các địa phương, Ấn Độ, Úc, New Zealand và Nga là những thị trường được đặc biệt ưu tiên. Các đường bay mới đã sẵn sàng hoạt động cùng nhiều sản phẩm dịch vụ trọn gói kích cầu đã được xây dựng. Nhưng “nút thắt” lớn nhất vẫn chính là visa. Do đó, trong tất cả kiến nghị của các địa phương, Hiệp hội Du lịch tỉnh, thành cho tới Hiệp hội Du lịch Việt Nam gửi lên Chính phủ, đề xuất được nhấn mạnh là miễn thị thực cho các thị trường: Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Canada, Áo, Hà Lan, Bỉ...

Thực tế, câu chuyện thị thực ngáng đường du lịch đã được đặt ra từ rất nhiều năm qua nhưng tình hình gần như không có sự chuyển biến. Sau bao lần “rón rén” nới nhỏ giọt, đến nay Việt Nam mới miễn visa cho 24 nước, chỉ bằng 1/3 số công dân các quốc gia được miễn thị thực khi vào Thái Lan, 1/5 Malaysia, 1/6 Indonesia và chưa bằng 1/7 Singapore.

Ông Huỳnh Văn Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ngôi sao biển Sài Gòn, nhận định nút thắt visa của Việt Nam nới mãi không ra chủ yếu là do lo ngại mất nguồn thu từ phí xin visa. Tuy nhiên nếu cứ chỉ chăm chăm lo mất khoản phí visa mà siết thị thực là lo giữ “con tép” mà bỏ mất “con tôm”. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn ngành du lịch đang khó khăn như hiện nay, dù công tác quảng bá, xây dựng sản phẩm có tốt đến đâu thì nếu không “mở cửa”, cũng không thể đón khách vào.

Theo Thanh Niên

Bạn cũng có thể thích

TTC Hospitality hợp tác trao đổi và thúc đẩy du lịch Việt Nam – Hàn Quốc

20/12/2024

TTC Hospitality sẽ phát triển các gói du lịch nghỉ dưỡng và những sản phẩm du lịch độc quyền kết hợp với tập đoàn du lịch Hàn Quốc nhằm nâng cao trải nghiệm du lịch khách du lịch Việt Nam và Hàn Quốc.

TTC Mekong Aqua Park ra mắt khu trò chơi dân gian tái hiện văn hóa miền Tây Nam bộ

16/12/2024

Ngày 16/12/2024, TTC Mekong Aqua Park chính thức ra mắt khu trò chơi dân gian với những trò chơi gắn với miền sông nước Tây Nam bộ và hứa hẹn mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho du khách.

TTC Hospitality “Lan tỏa hương phở, chia sẻ yêu thương” nhân Ngày của phở

12/12/2024

Ngày 12/12/2024, các đơn vị trực thuộc TTC Hospitality đã mang đến những bát phở nóng hổi, thơm ngon cho trẻ em mồ côi, người già neo đơn… tại các trung tâm bảo trợ xã hội và trại mồ côi tại các địa phương trú đóng...

Bài viết phổ biến