TTC HOSPITALITY

Tháp chuông gió tại TTC World – Tà Cú

Từ vùng đất được công nhận là Danh thắng Quốc gia đến điểm đến Du lịch gắn liền với yếu tố Sinh thái, Tâm linh và Chữa lành tại tỉnh Bình Thuận.

TTC World - Tà Cú là khu du lịch Sinh thái, Tâm linh và Chữa lành nổi tiếng của tỉnh Bình Thuận, trực thuộc Công ty Cổ phần Du lịch Thành Thành Công (TTC Hospitality) – thành viên Tập đoàn TTC. Khu du lịch nằm bên quốc lộ 1A, cách thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Phan Thiết lần lượt là 170 km và 30 km. Khu du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước nhờ sức hút từ vẻ đẹp thiên nhiên mây núi hùng vĩ, tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn lập kỷ lục tượng Phật nằm trên đỉnh núi dài nhất Châu Á, tuyến cáp treo dài 1.600 m được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Top 5 tuyến cáp treo hiện đại nhất để thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên vào năm 2013…, và gần đây nhất là công trình Tháp Chuông Gió khổng lồ tọa lạc giữa khu vườn lim xanh mát.

Tháp Chuông Gió khổng lồ - một công trình độc đáo và ấn tượng, tạo nên nét chấm phá đặc sắc cho bức tranh sinh thái tâm linh Tà Cú. Tháp Chuông Gió không chỉ là một kiệt tác kiến trúc mà còn là một biểu tượng tâm linh, mang đến cho du khách những trải nghiệm đặc sắc và ý nghĩa.

Từ điểm đến danh thắng quốc gia…
TTC World - Tà Cú tọa lạc tại núi Tà Cú - thắng cảnh quốc gia của tỉnh Bình Thuận. Núi Tà Cú không chỉ nổi tiếng với không gian hùng vĩ và nên thơ mà còn được biết đến là khu vực đa dạng sinh học với hệ động và thực vật phong phú. 

Theo kết quả điều tra đa dạng sinh học năm 1996 do Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ thực hiện và Kết quả nghiên cứu đa dạng sinh học do Ủy ban IUCN của Hà Lan tài trợ, thực vật tại Tà Cú đa dạng hệ sinh thái, loài, nguồn gen với khoảng 1.200 loài thực vật bậc cao, trong đó có ít nhất 33 loài thực vật được ghi tên trong Danh lục đỏ thế giới (2009) và/ hoặc Sách Đỏ Việt Nam (2007)… Ngoài ra, tại Tà Cú có ít nhất 79 loài thuộc 43 họ thực vật được sử dụng làm thực phẩm; hơn 300 loài cây làm dược liệu, trong đó có 07 loài cây thuốc đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và Danh lục các loài bị nguy cấp của IUCN (2007), 05 loài có tên trong Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam (2006).

Tà Cú cũng ghi nhận có 287 loài động vật và gần 200 loài côn trùng với ít nhất 32 loài động vật quý hiếm và nguy cấp như Trà vá chân đen, Voọc bạc Trường Sơn, Khỉ mặt đỏ, Gà lôi hồng tía, Kỳ đà hoa, Cua đinh, Ếch giun…
 
Núi Tà Cú nổi tiếng không gian hùng vĩ, nên thơ và có hệ động, thực vật phong phú.

Riêng tại khuôn viên TTC World - Tà Cú dưới chân núi, khu du lịch đã trồng thêm 4 loại cây với số lượng gần 1.200 cây. Điều này góp phần tạo thêm mảng xanh khu vực dưới núi và mang đến không gian vui chơi giải trí gần gũi thiên nhiên cho du khách. Theo định hướng, TTC World - Tà Cú sẽ phát triển du lịch sinh thái - tâm linh, vì vậy việc duy trì sự đa dạng thảm thực vật cũng là một phần trong chiến lược phát triển của khu du lịch.

…đến sự tích chữa lành của Nhà sư Trần Hữu Đức tạo nên câu chuyện bí ẩn ngọn núi thiêng
Năm 1872, Nhà sư Trần Hữu Đức (1812-1887) lên núi Tà Cú lập tịnh thất tọa thiền trong một hang đá. Nhờ công chữa bệnh cho hoàng thái hậu Từ Dụ, vua Tự Đức đã ban 4 chữ Linh Sơn Trường Thọ cho ngôi chùa trên núi Tà Cú, nơi nhà sư tu tập.
Khi nhà sư viên tịch (ngày 5 tháng 10 Âm lịch năm 1887), ngôi chùa bên dưới Linh Sơn Trường Thọ, gọi là Linh Sơn Long Đoàn (chùa Dưới) được thành lập như một nơi để thờ cúng và ghi nhớ công ơn của vị tổ sư.
 
Linh Sơn Long Đoàn tọa lạc giữa khu rừng cây xanh mát.

Trong thời gian tọa thiền tại thạch thất (nay gọi là Hang Tổ), nhà sư dùng mạch nước ngầm thông với thạch thất để sinh hoạt hàng ngày, ăn rau rừng và không hề xuất sơn. 

Đặc biệt, khách thập phương đến Tà Cú ngoài tận hưởng không khí trong lành, thanh tịnh của núi rừng còn để chiêm bái tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn lập kỷ lục châu Á “Tượng Phật dài nhất nằm trên đỉnh núi” vào năm 2013.

Tọa lạc ở độ cao 649 m trên núi Tà Cú, tượng Phật Thích nằm có chiều dài 49 m, cao 7 m, tượng trưng cho 49 năm từ khi Đức Thích Ca thành đạo thuyết pháp độ đời đến khi nhập diệt. Tượng Phật nằm được xây dựng từ năm 1963 bởi điêu khắc gia Trương Đình Ý. Điều đặc biệt, khi thực hiện công trình, điêu khắc gia này đã thọ trai, xuống tóc và không xuống núi đến khi hoàn thành tượng Phật vào năm 1966.
 
Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn trên đỉnh núi thiêng.

Đến bây giờ, câu hỏi về phương tiện thô sơ, sức người có hạn khi đó làm sao có thể vận chuyển hàng ngàn tấn thép, xi măng để hoàn thành tuyệt tác tượng Phật vẫn còn là điều bí ẩn.

Bên cạnh tượng Phật nằm là đường vào Hang Tổ với quần thể đá nhấp nhô. Hiện nay, trong quần thể đá này, nếu có duyên, du khách có thể tìm được “hòn đá chuông”, khi dùng những viên đá nhỏ gõ vào sẽ phát ra tiếng kêu như tiếng gõ chuông…

Năm 2003, hệ thống cáp treo lên núi Tà Cú đưa vào vận hành với hệ thống cáp dài 1.600m, cao 505 m với hệ thống 25 cabin, là một trong những tuyến cáp hiện đại nhất lúc bấy giờ. Song song với hạng mục cáp treo, TTC World – Tà Cú cũng đầu tư nhiều hạng mục cảnh quan như Cầu thang vô cực bảy sắc, Vườn hoa trung tâm với nhiều loài hoa, Vườn hồng hạc cùng nhiều tiểu cảnh sinh thái khác. Ngoài ra, TTC World – Tà Cú cũng đầu tư hệ thống nhà hàng, café giữa không gian núi rừng mát mẻ, thoáng đãng trên và dưới núi với sức chứa lên đến 1.000 khách, phục vụ nhiều món đặc sản địa phương, ẩm thực chay.
 
Hệ thống cáp treo dài 1.600m đưa du khách qua những thảm rừng xanh mướt và ngắm toàn cảnh huyện Hàm Thuận Nam.

Sự kết hợp giữa ưu đãi về thiên nhiên, thắng cảnh cùng sự đầu tư dịch vụ bài bản giúp TTC World – Tà Cú mang đến những trải nghiệm sinh thái, tâm linh trọn vẹn cho du khách trong và ngoài nước.

Định hướng phát triển thành điểm đến du lịch Sinh thái, Tâm linh và Chữa lành

Với xu hướng phát triển bền vững theo tiêu chí ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị), TTC World – Tà Cú nói riêng và Tập đoàn TTC nói chung, phát triển kinh doanh luôn gắn liền với trách nhiệm xã hội và môi trường. Đây là định hướng chung và cũng là động lực để mỗi sự đầu tư của Tà Cú đều hướng đến là phát triển du lịch xanh, bền vững, gắn với bảo tồn thiên nhiên và mỗi hạng mục đều hướng đến sự hài hòa giữa cảnh quan và thiên nhiên, tạo nên đặc trưng của khu du lịch sinh thái, tâm linh. Năm 2023, TTC World – Tà Cú đầu tư công trình Tháp Chuông Gió Tà Cú cũng không nằm ngoài ý tưởng này.
 
Tháp Chuông Gió khổng lồ tạo nên những âm thành chữa lành giữa vùng núi thiêng.

Nằm giữa vườn cây lâu năm và thảm cỏ xanh mướt, công trình Tháp Chuông Gió với tháp chuông xây bằng bê tông cốt thép cao trên 10m. Công trình là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên, nổi bật với 6 ống chuông tạo ra 6 âm sắc khác nhau, từ tầng số 40,5Hz đến 80,9Hz. Các ống chuông với chiều dài dao động từ 3,8m đến 5,2m, tạo nên sự hòa quyện tuyệt đối với không gian chung quanh.

Quanh tháp chuông gió khổng lồ còn có 5 chuông con, kết hợp và hòa quyện âm thanh tạo nên bản hòa âm chữa lành tuyệt diệu.

Chuông gió nhạc thường được biết với công năng chính là mang lại âm thanh du dương, âm trầm, thích hợp cho những người tu thiền hoặc những người lớn tuổi hay người thích sự tĩnh lặng, và quan trọng chính là tạo nên sự thanh tĩnh cho tâm hồn. Vì vậy, sự “chữa lành” từ âm thanh chuông gió giữa không gian núi rừng huyền hoặc, linh thiêng tại Tà Cú cũng góp thêm không gian thanh tịnh, an yên cho du khách. Điều này được xem là một gợi ý cho sản phẩm du lịch mới thu hút du khách đến với Tà Cú nói riêng cũng như tỉnh Bình Thuận nói chung. Tháp Chuông Gió là một điểm tham quan và trải nghiệm mới, tạo nên sự độc đáo và ấn tượng cho du khách khi ghé thăm khu du lịch. Điều này đồng nghĩa với việc thu hút lượng lớn du khách và giữ chân họ lâu hơn.

Đồng thời, với sự ra đời Tháp Chuông Gió, khu du lịch không chỉ là điểm đến giải trí mà còn trở thành nơi “trở về” cho du khách tìm đến sự an yên, thanh tĩnh, góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa tâm linh đặc sắc.

Ngoài ra, Tháp Chuông Gió khổng lồ tại Tà Cú không chỉ mang ý nghĩa trang trí mà còn là tác phẩm nghệ thuật độc đáo tại khu du lịch bởi sự hài hòa giữa tác phẩm và không gian. Vì vậy, công trình không chỉ là biểu tượng của “âm thanh chữa lành” mà còn là nguồn cảm hứng cho sự gắn kết và những câu chuyện về sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên, điều này rất quan trọng đối với xu hướng du lịch trong tương lai.
 

Bạn cũng có thể thích

ĐHĐCĐ TTC Hospitality 2024: Tổng tài sản tăng hơn 1.000 tỷ đồng thông qua mở rộng quy mô và mô hình hoạt động

25/04/2024

Theo thông tin công bố tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Du lịch Thành Thành Công (TTC Hospitality; HOSE: VNG) tổ chức ngày 24/4/2024, tổng tài sản năm 2023 của TTC Hospitality đạt 3.910 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022, tăng tương đương hơn 1.000 tỷ đồng.

Hơn 300 khách mời tham dự chương trình chia sẻ kinh nghiệm quản trị và điều hành doanh nghiệp, quản trị thương hiệu

23/04/2024

Chiều ngày 18/4/2024, tại TTC Van Phong Bay Resort, doanh nhân Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC đã có buổi chia sẻ với hơn 300 khách mời về kinh nghiệm quản trị và điều hành doanh nghiệp, quản trị thương hiệu.

Đến TTC Van Phong Bay Resort nghe chia sẻ kinh nghiệm quản trị điều hành doanh nghiệp

10/04/2024

Cuộc đời của mỗi doanh nhân được ví như “cuốn sách sống” truyền cảm hứng cho thế hệ kế tiếp. Có mất mát, khó khăn, nhưng cũng có rất nhiều thành tựu...

Bài viết phổ biến